Kinh tế suy thoái, huy động vốn khó khăn, áp lực cạnh tranh từ ngân hàng
(NH) có năng lực công nghệ cao… đang khiến nhiều NH tại Việt Nam
phải đẩy mạnh ứng dụng CNTT, tăng dịch vụ tiện ích để phục vụ nhu cầu
giao dịch 24/24h.
Theo ý kiến các chuyên gia NH tại hội thảo
Banking 2012 diễn ra sáng nay, ngày 23/5 tại Hà Nội, các NH tại Việt Nam
đang phải đối mặt với hàng loạt áp lực do nền kinh tế chưa thoát khỏi
khủng hoảng nên nhu cầu tín dụng giảm, khó khăn về nợ xấu ảnh hưởng trực
tiếp tới hiệu quả kinh doanh cũng như tính bền vững của NH…
Đặc biệt, các NH nhỏ phải đối mặt với khó khăn trong
huy động vốn khi tiếp tục giảm trần lãi suất, nâng cao năng lực tài
chính (Nghị định 141/2006/NĐ-CP đặt ra lộ trình tăng vốn pháp định của
các NH lên mức 5.000 tỷ đồng vào năm 2012 và mức 10.000 tỷ đồng
vào 2015). Chưa hết, mặc dù những quy định hạn chế đối với NH nước ngoài
(vốn điều lệ, tổng tài sản, thời hạn, hình thức, lĩnh vực hoạt động) đã
được dỡ bỏ vào năm 2011 theo lộ trình sau khi Việt Nam gia nhập WTO
song do kinh tế thế giới còn khó khăn nên mức độ phát triển của các NH
ngoại từ 2011 tại Việt Nam vẫn còn ì ạch.
Đại diện nhiều NH cho rằng, trong bối cảnh hiện nay,
một NH hiện đại phải đạt tỷ trọng doanh thu khoảng 50% từ các dịch vụ NH
tự động, hiện đại và chỉ còn lại 50% doanh thu từ hoạt động truyền
thống như tín dụng. Trên thực tế, nhiều NH đã nắm bắt được thực tế này
và "âm thầm" nâng cao năng lực công nghệ. Dự kiến từ 2012, giữa các ngân
hàng tại Việt Nam sẽ diễn ra sự cạnh tranh gay gắt hơn về các mảng như
ngân hàng bán lẻ, kinh doanh vốn, ngoại tệ…, đồng thời tung ra dịch vụ
tiện ích phục vụ khách hàng 24/24 giờ.
Giao dịch trực tuyến, khách chưa tin NH
Ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Công nghệ
Tin học NH, NH Nhà nước Việt Nam nhận định, năm 2012 được đánh giá là
năm rất quan trọng trong việc thực hiện kế hoạch 5 năm 2011-2015
của ngành NH Việt Nam với một trong các nhiệm vụ trọng tâm là tái cấu
trúc hệ thống, nâng cao năng lực quản trị kinh doanh và chất lượng
dịch vụ.
Mô hình NH tự động đầy đủ chức năng là mô hình mới
tại Việt Nam, từ chỗ chỉ giới hạn trong không gian các chi nhánh truyền
thống và trong giờ hành chính thì nay giới hạn không gian và thời gian
đã được "lấp đầy" bằng hoạt động 24/7 và bất cứ nơi đâu. Ông Đinh Quyết
Thắng, GĐ Quốc gia tại Việt Nam của Hãng công nghệ Diebold - Mỹ
(đang cung cấp tại Việt Nam hàng loạt công nghệ tiên tiến cho một NH tự
động như dịch vụ huy động vốn qua giao dịch gửi tiền, máy thu đổi ngoại
tệ…)cho rằng, muốn phát triển thành NH tự động, các NH cần phát triển hệ
thống CNTT một cách mạnh mẽ và bài bản. Cụ thể là việc đầu tư vào hệ
thống Core Banking, e-Banking trong đó có hệ thống Financial Switching
bao gồm các tiện ích Mobile Banking, Internet Banking, POS (điểm chấp
nhận thẻ), ATM, Recycler… để mang đến những dịch vụ, tiện ích phong phú
cho doanh nghiệp và người dùng.
Cũng tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng hầu hết các
nghiệp vụ NH đã được tin học hoá, tự động hoá như chuyển tiền điện tử,
thẻ thanh toán và rút tiền tự động ATM, Mobile Banking, Internet
Banking... Để khách hàng yên tâm sử dụng những dịch vụ NH công nghệ cao
thì vấn đề bảo mật, đảm bảo an toàn an ninh càng cấp bách do hoạt động
của tội phạm mạng ngày càng phức tạp. Hơn nữa, nhiều khách hàng vẫn
chưa đặt niềm tin vào giao dịch trực tuyến, giao dịch không dùng tiền
mặt do lo ngại chuyện bảo mật.
Chính vì vậy, để có được năng lực bảo mật tối ưu, các
NH cần sử dụng đồng bộ những công nghệ như Firewall, mã hóa giao dịch,
có công cụ phát hiện thiết bị lạ, truy xuất các bo mạch, thiết bị giám
sát và báo động và các công nghệ chống phá hủy, chống lấy trộm thông tin
giao dịch, lấy thông tin từ thẻ…
Phan Minh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét